Quốc hội chốt giảm 2% thuế VAT đến hết năm 2023
Chiều 24/6, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV với 481/482 đại biểu biểu quyết tán thành (chiếm tỉ lệ 97,37%).
Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quốc hội |
Theo Nghị quyết Kỳ họp thứ 5, Quốc hội XV, Quốc hội đã đồng ý giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) với các nhóm hàng, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất giá trị gia tăng 10% (còn 8%).
Việc giảm thuế không áp dụng với nhóm hàng hóa như viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất và các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Theo Nghị quyết, việc giảm 2% thuế VAT sẽ áp dụng từ ngày 1/7/2023 – 31/12/2023.
“Giao Chính phủ tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả, bảo đảm không làm ảnh hưởng đến dự toán thu và bội chi ngân sách nhà nước năm 2023 theo Nghị quyết của Quốc hội; báo cáo kết quả thực hiện cùng với tổng kết thực hiện Nghị quyết số 43”, Nghị quyết nêu.
Trước đó thay mặt Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, trình bày báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết một số ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi đối tượng được giảm 2% để áp dụng với tất cả các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế 10%, nâng mức giảm lên 3%, 4% hoặc 5% và kéo dài thời gian áp dụng chính sách đến giữa năm 2024 hoặc hết năm 2024.
Về vấn đề này, theo ông Cường, nếu mở rộng hơn nữa phạm vi, mức độ giảm thuế giá trị gia tăng sẽ tác động, ảnh hưởng nhiều đến thu ngân sách nhà nước, Chính phủ chưa có tính toán và đánh giá đầy đủ về tác động của chính sách, nhất là trong bối cảnh thu ngân sách nhà nước các tháng đầu năm giảm hơn so với cùng kỳ năm trước.
Vì vậy, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội cho giữ phạm vi và mức độ giảm thuế giá trị gia tăng như dự thảo Nghị quyết, đồng thời, đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 kết quả thực hiện chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng cùng với kết quả thực hiện Nghị quyết số 43 để Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung các giải pháp hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế (nếu có).
Về tác động của chính sách, theo tờ trình của Chính phủ, nếu áp dụng việc giảm 2% thuế VAT trong 6 tháng cuối năm thì dự kiến số giảm thu ngân sách Nhà nước tương đương khoảng 24.000 tỷ đồng (đối với thu ngân sách Nhà nước năm 2023 thì dự kiến giảm 20.000 tỷ đồng do số thu thuế VAT phải nộp của tháng 12/2023 nộp trong tháng 1/2024).
Với việc giảm 2% thuế VAT người dân là đối tượng sẽ được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này, việc giảm thuế VAT đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất thuế VAT 10% sẽ góp phần giảm giá bán, từ đó góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống nhân dân.
Đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế VAT thuế suất 10% sẽ được hưởng lợi khi chính sách được ban hành. Việc giảm thuế VAT sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh.
Khám xét nhà các bị can vụ buôn lậu 3 tấn vàng ở Quảng Trị
Các lực lượng thuộc Bộ Công an đồng loạt khám xét nhà các đối tượng ở thị trấn Lao Bảo (huyện Hướng Hoá, Quảng Trị) liên quan vụ buôn lậu 3 tấn vàng.
Lực lượng chức năng có mặt trước nhà một đối tượng liên quan vụ buôn lậu vàng ở thị trấn Lao Bảo. Ảnh: Quang Thành |
Ngày 24/6, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an xác nhận với PV VietNamNet, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố bị can đối với 18 người về tội Buôn lậu, 2 người về tội Trốn thuế, trong vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần đầu tư vàng Phú Quý.
Theo Trung tướng Tô Ân Xô, việc đấu tranh phá đường dây nêu trên được thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Công an.
Kết quả đấu tranh chuyên án đến nay xác định: Từ năm 2022 đến nay, Nguyễn Thị Hóa (trú huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị) và Nguyễn Thị Gái đã tổ chức đường dây buôn lậu trên 3 tấn vàng, có tổng trị giá khoảng 5.000 tỷ đồng từ Lào về Việt Nam qua cửa khẩu Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị), bán cho các cửa hàng vàng tại Việt Nam để thu lời bất chính.
Ngoài ra, Cơ quan điều tra xác định Công ty cổ phần đầu tư vàng Phú Quý đã kê khai và báo cáo quyết toán thuế năm 2021 không trung thực, vi phạm quy định về các hành vi trốn thuế, gây thiệt hại cho Nhà nước, bước đầu xác định là 6,145 tỷ đồng.
Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được, ngày 23/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án hình sự Buôn lậu và Trốn thuế xảy ra tại cửa khẩu Lao Bảo, Công ty cổ phần đầu tư vàng Phú Quý và các đơn vị liên quan. Đồng thời, cơ quan điều tra khởi tố 20 đối tượng với các cáo buộc Buôn lậu và Trốn thuế.
Trước đó, các lực lượng chức năng thuộc Bộ Công an đồng loạt khám xét nhà các đối tượng ở thị trấn Lao Bảo (huyện Hướng Hoá, Quảng Trị) liên quan vụ buôn lậu vàng.
19kg nghi ma túy vận chuyển từ Pháp về Việt Nam qua đường hàng không
Lực lượng chức năng phát hiện hơn 19kg tinh thể màu trắng nghi là ma túy ketamin được cất giấu tinh vi trong lô hàng được vận chuyển từ Pháp về Việt Nam qua đường hàng không.
Lực lượng Hải quan kiểm tra lô hàng. Ảnh: HQCC. |
Trước đó, trong quá trình làm thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hàng hóa vận chuyển qua đường hàng không về kho hàng không kéo dài, lực lượng Hải quan phát hiện lô hàng nghi vấn chứa ma túy.
Chiều 24/6, Tổng cục Hải quan cho biết ngày 22/6, tại Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội, Đội Kiểm soát phòng, chống ma túy (Cục Hải quan Hà Nội) chủ trì, phối hợp với Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội, PC04, PC09 (Công an TP Hà Nội) tiến hành kiểm tra lô hàng gồm 2 thùng hàng, tổng trọng lượng khoảng 30kg.
Kết quả các lực lượng chức năng phát hiện trong mỗi thùng hàng có 10 hộp màu vàng. Trong mỗi hộp có 1 túi nilon chứa tinh thể màu trắng nghi là ketamin, tổng trọng lượng hơn 19kg.
Đáng chú ý, các đối tượng đã ngụy trang tinh vi các gói tang vật dưới đáy của các hộp cacao, sau đó phủ bằng một lớp bột cacao lên trên các túi và đóng gói tinh vi, trà trộn lẫn với bánh kẹo và các mặt hàng tiêu dùng khác hòng qua mặt lực lượng chức năng.
Nền kinh tế lớn nhất EU ký hợp đồng LNG 20 năm thay thế khí đốt Nga
Đức ký hợp đồng 20 năm về nhập khẩu khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) từ Mỹ để thay thế khí đốt Nga.
Đức - quốc gia vốn phụ thuộc vào khí đốt Nga - đã ký hợp đồng 20 năm nhập LNG từ Mỹ. Ảnh: Xinhua |
Đức ký hợp đồng dài hạn nhập khẩu LNG từ Mỹ nhằm đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng khi nước này ngừng nhận khí đốt Nga.
Thỏa thuận LNG kéo dài 20 năm được ký kết giữa Tổ chức Bảo đảm Năng lượng cho Châu Âu (SEFE) của Đức và công ty Venture Global LNG của Mỹ.
Nhà nhập khẩu khí đốt SEFE trước đây là công ty con của tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga và thường gọi là Gazprom Germania.
Thỏa thuận năng lượng mới ký kết sẽ cung cấp cho Berlin 2,25 triệu tấn LNG hàng năm. Thoả thuận cũng đưa Venture Global trở thành nhà cung cấp LNG lớn nhất của Đức, với tổng cộng 4,25 triệu tấn LNG mỗi năm, công ty cho biết.
Giám đốc điều hành Mike Sabel cho hay: “Venture Global rất vui mừng được bắt đầu hợp tác chiến lược với SEFE, đưa công ty của chúng tôi trở thành nhà cung cấp LNG dài hạn lớn nhất cho Đức".
Venture Global sẽ cung cấp nhiên liệu siêu lạnh từ dự án LNG Calcasieu Pass 2 (CP2) cho công ty con Wingas của SEFE. Việc xây dựng CP2 được ấn định vào cuối năm nay và trạm dự kiến có công suất 20 triệu LNG mỗi năm.
“Bằng cách hợp tác với Venture Global LNG, SEFE thực hiện một bước quan trọng nữa trong sứ mệnh của chúng tôi là đảm bảo năng lượng cho khách hàng Đức và châu Âu, đồng thời đáp ứng nhu cầu năng lượng của khu vực” - Giám đốc điều hành SEFE Egbert Laege nói.
Trước xung đột ở Ukraina, nền kinh tế lớn nhất của EU nhập tới 40% nhu cầu khí đốt từ Nga. Berlin đã giảm sự phụ thuộc vào khí đốt Nga từ năm ngoái thông qua nhập khẩu LNG từ Mỹ và Trung Đông.
Đức hiện nhận LNG thông qua các cảng nổi ở Wilhelmshaven, Lubmin và Brunsbuttel. Berlin đang nhanh chóng xây dựng cơ sở hạ tầng riêng để thay thế nguồn cung cấp khí đốt Nga.
Vào tháng 3, Nghị sĩ Bundestag Andrej Hunko cảnh báo về việc phụ thuộc quá mức vào LNG từ Mỹ. Ông Hunko cảnh báo, Đức đã phải trả giá đắt cho các vụ nổ năm ngoái trên đường ống Nord Stream - nơi vận chuyển khí đốt giá rẻ từ Nga.
Chính trị gia Đức lập luận, việc Nord Stream bị phá huỷ đã chuyển sự phụ thuộc của Đức vào khí đốt Nga thành "nghiện" LNG từ Mỹ.